Gia tăng giá trị trái dừa Bến Tre

CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH HÀNG ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA CTY CHÚNG TÔI

Số 90, tổ 2, ấp Thành Hóa 1, Xã Tân Thành Bình, Huyện Mỏ Cày Bắc, Tỉnh Bến Tre

Hotline:

0913 197 936
0979 075 675
Gia tăng giá trị trái dừa Bến Tre
Ngày đăng: 14/03/2021 09:41 PM

    (TBKTSG) - Trái dừa xiêm ở Bến Tre vào mùa mưa, giá tuột còn dưới 50% so với mùa nắng. Vậy mà một “thanh niên Đồng Khởi mới” đã “phù phép” in chữ “tài lộc” lên trái dừa bình thường và trái dừa hồ lô. Trái dừa sau khi được khoác “chiếc áo mới” đã tăng giá vù vù, từ 300.000 lên 500.000 đồng/trái.

    Người nông dân sáng tạo nên sản phẩm trái dừa chúc phúc bắt mắt này là Huỳnh Thanh Tâm, một chàng trai 30 tuổi, sinh ra và lớn lên ở xứ dừa Bến Tre. Ba mẹ của Tâm được ngoại cho hai công đất trồng dừa xiêm (dùng uống nước). Đất canh tác đã ít, vào mùa vụ, trái dừa xiêm bị rớt giá, đời sống gia đình Tâm càng thêm khó khăn. Anh đã nghĩ phải làm gì đó để trái dừa tăng thêm giá trị.

    Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, Tâm đã rất tâm đắc việc người Nhật tạo được trái dưa tròn thành dưa vuông; rồi nhà vườn trồng bưởi năm roi ở Cần Thơ tạo hình bưởi hồ lô in những chữ chúc phúc năm mới, tung ra thị trường Tết bán với giá tiền triệu. “Trái dưa, trái bưởi tạo hình được, trái dừa cũng có thể tạo hình, in chữ được”, Tâm ấp ủ ý tưởng.

    Lúc đầu, Tâm thử nghiệm bằng lon sữa bò, lồng chữ bằng dây đồng úp vào trái dừa non, một tháng sau, trái dừa lớn phình ra, trên da trái có chữ nhưng chữ không nổi, nét bị cong. Tâm phải nhiều lần điều chỉnh khuôn in, nhưng thất bại. Những trái dừa đặt khuôn in chữ không thành, da không láng đẹp như những trái dừa bình thường khác nên bị thương lái chê, không bán được. Ông ngoại anh bực bội la rầy: “Cháu phá hư dừa hết!” và ông không đồng ý cho anh thử nghiệm nữa.

    Bị ngăn cấm nhưng Tâm vẫn lén dùng khuôn in chữ bằng nhựa đặt lên một số trái dừa. Nhưng lại thất bại. Không ít lần vì nản chí, anh định buông bỏ ý tưởng, nhưng lại nghĩ: đã mất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền của thì không thể bỏ ngang được! Tâm vẫn tin rằng người ta tạo hình trái dưa, trái bưởi được thì anh cũng có thể tạo hình trái dừa được. Việc chưa thành công có thể do anh chưa nắm rõ tiến trình phát triển của trái dừa. Thế là anh lại tiếp tục thử nghiệm, và sự bền bỉ đã giúp anh thành công. Tết Ất Mùi 2015, anh đã in được chữ “Tài Lộc An Khang” lên trái dừa và đem những trái dừa in chữ ấy chưng lên mâm ngũ quả ngày Tết.

    In được chữ lên trái dừa, Tâm càng say mê với ý tưởng nâng cao giá trị cho trái dừa. Chưa có vốn, anh đi làm công cho một cơ sở in lụa, khắc dấu quảng cáo ở TPHCM để có vốn thử nghiệm tạo hình trái dừa. Đến Tết Bính Thân 2016 thì Tâm đã có thể “trình làng” những trái dừa in chữ rất đẹp và được thị trường chấp nhận mua với giá 300.000 đồng/trái trong khi anh vẫn tiếp tục nghiên cứu tạo hình dừa hồ lô. In chữ trên trái dừa đã khó, tạo hình dừa hồ lô lại càng khó hơn. So với trái dưa, trái bưởi, việc tạo hình, in chữ cho trái dừa khó hơn nhiều vì trái dừa có xơ và da cứng, phải nắm bắt được thời gian sinh trưởng mới tạo hình, in chữ được.

    Qua hơn vài chục lần thất bại rồi cũng tới lúc anh tạo được dừa hồ lô in chữ. Tuy vậy, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 40%. Để tạo hình dừa hồ lô, anh chọn trái có da láng đẹp, không vết sẹo và phải tính toán chính xác sao cho dừa từ trái non đến thành hình dừa hồ lô chỉ đạt khoảng nửa ký mỗi trái thì mới được thị trường chấp nhận. Bên cạnh đó còn phải là dừa sạch nên vườn dừa nhà anh chỉ bón phân hữu cơ và bồi bùn, tưới nước cho cây; diệt côn trùng phá hại bằng nấm sinh học. Sản phẩm dừa in chữ, dừa hồ lô in chữ của anh Tâm đã được Cục Khoa học công nghệ đăng ký độc quyền.

    Một công ty xuất khẩu sang châu Âu đã đặt hàng Tâm 4.000 trái dừa hồ lô in chữ “Tài Lộc”. Anh cho biết rất vui vì đơn hàng này nhưng trong lòng nặng nỗi lo tìm đâu ra vốn để có vườn dừa nguyên liệu và tạo ra nhiều khuôn sản xuất. Đang trong cơn bế tắc thì Tâm biết tin tỉnh Bến Tre phát động chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp”, trong anh lóe lên kế hoạch sản xuất lớn bằng dự án “Dừa phú quý Bến Tre”. Với dự án này, anh sẽ sản xuất 4.000 trái dừa hồ lô xuất sang châu Âu, 2.000 trái bán trong nước trong dịp Tết 2017 và tiếp tục sản xuất cho những năm tiếp theo.

    Để thực hiện dự án, Tâm cho biết dừa nguyên liệu không thiếu nhưng anh cần vốn thuê vườn dừa. Hiện anh đã cùng với 5-6 nhà vườn hợp tác sản xuất dừa hồ lô in chữ, trong đó có 2 héc ta cho 10.000 trái/năm. Bên cạnh đó, anh cũng cần hợp đồng hợp tác hướng dẫn kỹ thuật làm việc cho thanh niên nông thôn để có nguồn lao động đáp ứng dự án.

    Dự án “Dừa phú quý Bến Tre” của anh Tâm đã được Tỉnh đoàn Bến Tre hỗ trợ vốn vay 50 triệu đồng, lãi suất 0% từ Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp - lập nghiệp thanh niên. Đây là dự án đầu tiên của thanh niên được Tỉnh đoàn Bến Tre hỗ trợ. Tâm bộc bạch: “Tăng được giá trị trái dừa là thành công lớn của tôi. Trái dừa in chữ, dừa hồ lô in chữ sẽ tạo ra việc làm, thu nhập khá cho thanh niên nông thôn xứ dừa”.

    Lư Thế Nhã

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline