TĂNG THUẾ - DỪA VẪN THIẾU

CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH HÀNG ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA CTY CHÚNG TÔI

Số 90, tổ 2, ấp Thành Hóa 1, Xã Tân Thành Bình, Huyện Mỏ Cày Bắc, Tỉnh Bến Tre

Hotline:

0913 197 936
0979 075 675
TĂNG THUẾ - DỪA VẪN THIẾU
Ngày đăng: 14/03/2021 09:34 PM

    Hơn 10 ngày qua, người trồng dừa ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang... đã nhẹ phào khi dừa khô cầm được giá. Dừa khô không đủ bán, doanh nghiệp chế biến dừa vẫn “đói” nguyên liệu. Giá dừa khô hiện đang đứng ở mức gần 100.000 đồng/chục, phần lớn nhờ tác động thị trường dừa xuất khẩu luôn ổn định. Nhờ vậy, người trồng dừa thu được lợi nhuận cao, mặc dù vườn dừa đang bị “treo” có giảm năng suất do ảnh hưởng của xâm nhập mặn... Nhà vườn được lợi thì các doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu lại gặp bất lợi. Bến Tre hiện có trên 52.000 ha dừa, sản lượng khoảng 400 triệu trái/năm, có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa như: bột sữa dừa, cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, kẹo dừa... kim ngạch xuất khẩu khoảng 55 triệu USD/năm, đứng hàng thứ hai sau thủy sản, giải quyết công ăn việc làm cho trên 20.000 lao động địa phương. Tuy vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến dừa chỉ hoạt động cầm chừng, hầu hết đều sản xuất dưới 50% công suất, công nhân thiếu việc làm. Một số doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu dừa thô, càng làm cho tình trạng khan hiếm dừa trầm trọng hơn. Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, năm 2010, các doanh nghiệp chế biến dừa trên toàn tỉnh thu mua được khoảng 250 triệu trái dừa, trong khi năng lực sản xuất lên đến gần 350 triệu trái. Cũng trong năm 2010, toàn tỉnh xuất khẩu trên 100 triệu trái dừa thô đi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan... Không chỉ Bến Tre, mà ở Trà Vinh, các cơ sở sử dụng nguyên liệu từ dừa cũng đói nguyên liệu.

    Ông Trần Văn Điều, Chủ cơ sở đốt than gáo dừa, ở ấp Đức Mỹ A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cho biết: Mấy tháng qua, nguồn nguyên liệu gáo dừa thu mua rất khó, phải sang tận Bến Tre nhưng vẫn không đủ hàng. Nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu dừa trái được xuất khẩu sang Trung Quốc rất mạnh. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu cho 8 lò than khoảng 80.000 - 90.000 gáo dừa/tháng. Nguồn nguyên liệu thiếu, từ đầu năm đến nay, các lò chỉ hoạt động khoảng 70 - 75% công suất. Ngoài khan hiếm nguyên liệu, giá thành phụ phẩm từ dừa cũng tăng cao: Tháng 5 giá khoảng 350 đồng/gáo dừa, hiện nay tăng lên 700 - 750 đồng/gáo dừa nhưng vẫn thu mua không đủ nguyên liệu.

    Ông Lê Phước Toàn, Cán bộ quản lý kỹ thuật của Công ty TNHH Kim Bôi, ở xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, cho biết: Cơ sở đang xây dựng nhà xưởng khép kín từ việc thu mua dừa trái nguyên liệu để làm chỉ, dệt lưới và tinh luyện dầu dừa… Hiện tại, công ty đã hoàn tất việc xây nhà xưởng và bước đầu sản xuất thảm xơ dừa phục vụ xuất khẩu và làm lưới che các công trình. Ông Toàn cho biết, sau một tuần áp thuế xuất khẩu dừa thì dừa khô vẫn giữ được giá, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục đói nguyên liệu.

    Trà Vinh có vùng nguyên liệu dừa đứng thứ 2 sau Bến Tre với trên 14.301 ha trồng dừa, sản lượng khoảng 142,85 triệu trái/năm. Từ cuối tháng 10-2010 đến nay, giá dừa trái không ngừng tăng và đứng ở mức cao. Hiện tại, dừa khô loại I được các doanh nghiệp thu mua khoảng 100.000 đồng/chục (12 trái). Giá thu mua rất cao nhưng vẫn không cạnh tranh lại các thương lái thu gom dừa xuất khẩu. Hiện tại, dừa của Trà Vinh bán cho các tàu xuất khẩu chiếm khoảng 60 - 70%, từ đó làm cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến cơm dừa, than hoạt tính, chỉ tơ xơ dừa… thiếu nguyên liệu phải hoạt động cầm chừng. Thống kê của ngành công thương Trà Vinh trong 4 tháng đầu năm 2011, đã có trên 1.000 tấn dừa trái xuất khẩu. Trong khi các doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy chỉ sản xuất và xuất khẩu 470 tấn, giảm 9,09%; tơ xơ dừa xuất khẩu 1.916,3 tấn, giảm 66,60%; than hoạt tính 1.111,3 tấn.

    Ông Phạm Hoàng Việt, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp thuộc Sở Công thương Trà Vinh, phân tích: Dừa khô xuất trực tiếp chỉ mang lợi cho thương lái, còn để doanh nghiệp chế biến thành nhiều sản phẩm để xuất khẩu thì giá trị tăng gấp nhiều lần so với xuất thô. Trước đây, nguyên liệu dừa trái chưa xuất khẩu được nhiều, các cơ sở sản xuất CN-TTCN từ nguyên liệu dừa đã giải quyết cho gần 20.000 lao động. Còn bây giờ, nguồn nguyên liệu dừa trái thiếu hụt nên 257 cơ sở chỉ giải quyết khoảng 1.200 - 1.500 lao động. Dừa trái xuất khẩu thô đã ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động tại chỗ rất lớn. Còn Sở Công thương Bến Tre cho biết: Do tình trạng xuất dừa thô ào ạt sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… đã làm cho các doanh nghiệp tại chỗ điêu đứng vì thiếu nguyên liệu hoạt động. Nhằm để “giữ” nguồn nguyên liệu đáp ứng cho các doanh nghiệp sản xuất, Hiệp hội Dừa Bến Tre đã kiến nghị tăng thuế xuất khẩu dừa trái từ 0 lên 5%, cuối cùng Bộ Tài chính đã quyết định kể từ ngày 20-5-2011 bắt đầu thu thuế xuất khẩu dừa thô mức 3%. Dù giá thuế xuất khẩu tăng, nhưng hàng loạt doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu vẫn “kêu trời” vì thiếu nguyên liệu. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp ở Bến Tre, Trà Vinh hiện hoạt động khoảng 30 - 50% công suất, khiến nhiều hợp đồng bị phá hủy và hàng loạt công nhân thất nghiệp.

    Theo Báo Hậu Giang

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline